Tại sao cầu thang thường có số bậc lẻ?

Đi cầu thang mỗi ngày nhưng bạn có bao giờ để ý rằng số bậc thang thường lẻ không? Và vì các kiến trúc sư lại không chọn số chẵn?

Cầu thang là một trong những thiết kế quan trọng, tạo ra điểm nhấn cho ngôi nhà. Việc thiết kế cầu thang cũng có các quy định để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người đi lại, chẳng hạn như chiều rộng bậc thang không nhỏ hơn 80 cm (đủ cho 2 người tránh nhau), chiều cao tay vịn trên 90 cm… Đặc biệt là hầu hết các cầu thang kết nối hai tầng thường có số bậc lẻ. Vì sao lại như vậy?

Theo tạp chí Homeplan thì số bậc lẻ có tác dụng giúp cho mọi người đi lại thoải mái hơn. Đa số mọi người thuận chân phải, vì vậy đây sẽ là chân bước lên bậc thang đầu tiên. Nếu số bậc cầu thang chẵn, bước cuối cùng là chân trái, sẽ bị ngược với thói quen: Chân phải luôn đi trước.

Ngoài ra, đối với kiến trúc phương Đông, việc chia số bậc cầu thang thường sử dụng vòng lặp ‘Sinh, Lão, Bệnh, Tử’ để tìm ra số bậc cầu thang cho phù hợp, cân bằng giữa chiều cao thực tế của ngôi nhà và yếu tố phong thủy. Theo đó, bậc thứ nhất rơi vào cung Sinh, các bậc tiếp theo lần lượt rơi vào cung Lão, Bệnh, Tử. Gia chủ muốn bậc cuối rơi vào cung Sinh. Bởi vậy, số bậc thang thường chia hết cho 4 và cộng thêm 1 (17, 21, 25, 29).

Một số người phương Tây tin vào sự may rủi cũng lựa chọn số bậc cầu thang lẻ. Họ nhẩm tính: Bước đầu là “được”, bước thứ 2 là “mất”… nên bước cuối sẽ là “được”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *