NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI XÂY NHÀ

Xây nhà là việc hệ trọng trong cuộc đời mỗi con người. Để xây được ngôi nhà hợp ý mình trong khuôn khổ tài chính có hạn, việc tính toán để tiết kiệm hợp lý các khoản chi phí khi xây nhà sẽ giúp chủ đầu tư có được ngôi nhà như ý với khoản tiền của mình.

Giá cả biến động liên tục thời gian gần đây làm cho các gia chủ hết sức lo lắng về vấn đề xây nhà làm sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất. Sau đây là một số mẹo vặt có thể giúp các bạn tiết kiệm chi phí trong quá trình xây nhà:

Giai đoạn 1 – Chuẩn bị xây nhà:

1/ Lên phương án:

– Trước tiên bạn cần phải biết mình dự tính xây nhà nhằm mục đích sử dụng gì. Gia đình bạn có bao nhiêu người? Ước tính nhu cầu cụ thể để xây phòng cho phù hợp với túi tiền. Nếu có bố mẹ và 2 con thì có thể xây một phòng ngủ cho bố mẹ, một phòng cho hai con, hoặc nếu con lớn thì có thể xây hai phòng cho hai con, còn lại là phòng khách, nhà bếp…

– Tiếp theo phải dự toán được tổng chi phí cần phải bỏ ra để xây dựng nhà. Có thể tham khảo chi phí xây nhà từ những ngôi nhà vừa mới xây gần đó. Cần phải dự trù chi phí gia tăng do lạm phát. Một ngôi nhà vừa xây tháng trước với cùng diện tích, cùng mẫu thiết kế, vật liệu và cùng một nhà thầu sẽ có chi phí thấp hơn so với thời điểm hiện tại do chí phí gia tăng, đó là điều bạn cần ước tính để không phải bối rối trong quá trình xây dựng.

– Cần cân đối giữa diện tích xây dựng và diện tích sinh hoạt. Trong trường hợp diện tích khu đất lớn nhưng kinh phí xây dựng có hạn, bạn nên cân nhắc giảm diện tích xây dựng xuống để tiết kiệm chi phí. Bạn có thể yêu cầu các kiến trúc sư chuẩn bị phương án để sau này có thể mở rộng hoặc xây thêm tầng khi điều kiện tài chính cho phép.

2/ Chọn nhà thiết kế:

– Nên tham khảo lựa chọn giữa các nhà thiết kế. Tốt nhất nên chọn nhà thiết kế am hiểu về phong thủy để tiết kiệm thêm chi phí mời thầy phong thủy. Hoặc nếu không thì hãy trao đổi kĩ vấn đề phong thủy với nhà thiết kế, tránh trường hợp trong lúc thi công lại đưa thầy phong thủy về, rồi lại thay chỗ đặt nội thất, đục ống nước, ổ điện… dẫn đến chi phí phát sinh.
– Nếu chủ nhà thay đổi bản vẽ theo ý thích, hay thay đổi 1 chi tiết nào đó trên bản vẽ thiết kế thì chi phí cho những lần chỉnh sửa cũng sẽ tăng lên. Do đó chủ nhà cần phải biết mình thích gì và nói rõ ràng ý thích của mình cho nhà thiết kế, tránh sửa tới, sửa lui nhiều lần.

Giai đoạn 2 – Giai đoạn thi công:

Sau khi đã có bản thiết kế, thi công ngôi nhà là một bước vô cùng quan trọng, tiết kiệm được hay không phụ thuộc nhiều nhất vào bước này.

1/ Chọn nhà thầu thi công:

– Nên tham khảo nhiều nhà thầu trước khi giao lòng tin và ngôi nhà của bạn. Bởi có thể chi phí sửa chữa cho ngôi nhà của bạn có thể cao hơn so với chi phí trả cho nhà thầu uy tín ban đầu. Bên cạnh đó hãy yêu cầu nhà thầu đưa ra phương án thi công công trình và phương án điều động nhân công theo tiến độ. Phương án cần tính đến các điều kiện thực tế (hiện trường công trình, đường vận chuyển vật liệu…).

– Bạn cần thoả thuận với nhà thầu tiến độ thời gian chi tiết của từng hạng mục công việc. Nên thỏa thuận với nhà thầu về thời gian giao nhà tránh chi phí phát sinh do việc kéo dài thời gian thi công.

2/ Chọn hình thức thi công:

a. Cách chủ nhà tự làm tổng thầu: lo vật tư và thuê nhân công đòi hỏi chủ nhà phải có thời gian bám công trình, có kiến thức nhất định về trình tự, yêu cầu xây dựng để công việc được trôi chảy.Cách này sẽ tạo ra sức ép rất lớn cho chủ nhà thiếu kinh nghiệm. Dân gian thường cho là cách này sẽ tiết kiệm được chi phí và nhà sẽ theo ý mình nhưng thực tế không hẳn như vậy. Với những lý do nêu ở trên, thi công theo cách này nhiều khi sẽ có giá thành xây dựng rất cao.

b. Cách thi công kiểu chìa khóa trao tay: giao khoán sản phẩm cho một chủ thầu xây dựng hoặc chia thành nhiều gói nhỏ giao cho từng chủ thầu nhỏ như nề, điện-nước, cửa, sắt… Nếu giao cho một chủ thầu, chủ nhà sẽ “nhàn” do không phải sắp xếp, tính toán. Tuy nhiên chất lượng sẽ khó kiểm soát. Để hạn chế việc khó kiểm soát chất lượng, cần làm rõ với chủ thầu về đơn giá (thường theo m2 xây dựng) gắn liền với quy cách, chất liệu và tiến độ. Nếu chia làm nhiều chủ thầu nhỏ thì chủ nhà phải điều tiết tiến độ thi công của các “cánh thợ” này cũng như giải quyết xung đột về quyền lợi của họ. Chuyện thường xảy ra là thợ xây và thợ điện nước hay tranh cãi về chi phí trát phần đục ra để chạy đường điện, đường nước. Chủ nhà nên phối hợp các cánh thợ để họ làm việc với nhau với tinh thần xây dựng, không cản trở nhau gây ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình.

3/ Chọn vật liệu xây dựng:
– Dự kiến toàn bộ các chủng loại vật liệu sẽ sử dụng bằng việc yêu cầu nhà thiết kế cung cấp một bảng “Danh mục vật tư”.

– Nhiều trường hợp giá cả phát sinh do chủ nhà chưa bao giờ xem qua vật liệu, chỉ nhìn hình, xem giá rồi quyết định chọn. Nhưng khi đi vào thực tế lại phát hiện vật liệu này không tốt, vật liệu kia tốt hơn thế là nảy sinh việc thay đổi vật liệu. Đây là trường hợp gặp rất nhiều trong xây dựng cũng như là việc chọn mua đồ nội thất. Để khắc phục thì chủ nhà cần dự trù ngân sách phát sinh khoảng 20-50%. Đi xem vật liệu thật kỹ trước khi quyết định mua. Lên ngân sách cho việc mua vật liệu.
– Tăng việc sử dụng các vật liệu mới thân thiện với môi trường, vật liệu sẵn có ở địa phương.

4/ Một số vấn đề cần quan tâm:
– Khi thi công thật trung thành với những gì đã dự kiến, từ bản thiết kế đến chủng loại vật tư đã tham khảo. Giám sát thật chặt chẽ tránh việc thất thoát và lãng phí nguyên vật liệu…
– Trước khi tiến hành xây dựng cần lên dự toán các phần việc cần thuê nhân công, mua vật tư. Việc này đòi hỏi phải tỉ mỉ, tốn thời gian nhưng lại rất có ích trong việc quản lý chi phí xây dựng. Các khoản chi phí được tiên liệu trước sẽ giúp cho việc xây nhà được suôn sẻ.
– Việc phân đoạn xây dựng giúp ích rất nhiều cho việc đảm bảo tài chính cho chủ nhà, tránh được việc vay mượn để xây nhà. Các câu hỏi cần được đặt ra mỗi khi cân nhắc các hạng mục xây dựng là: phần này có cần phải xây dựng ngay chưa? Nếu không có thì sẽ ảnh hưởng các phần khác thế nào? Nếu bây giờ chưa làm thì sau này có bổ sung được không? Ví dụ đường dây điện, ống nước nếu làm chìm trong tường thì phải làm trước, thiết bị như vòi nước, ổ cắm, công tắc, bóng đèn có thể lắp sau. Nếu đi đường điện và nước nổi thì dây điện và ống có thể đi sau cũng được.
– Hằng ngày nên tổng kết các khoản chi tiêu, tính trước các khoản chi tiêu cho vài ngày tiếp theo. Các thông tin này sẽ giúp cho việc khống chế tiền xây nhà không bị vượt kế hoạch ban đầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *